Đường sách là không gian văn hóa, điểm đến thú vị của TP.HCM

Đường sách là không gian văn hóa, điểm đến thú vị của TP.HCM

Thứ 5, 12/09/2024 | 02:04

 

Khảo sát việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW tại TP.HCM, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy nhận định Đường sách TP.HCM thực sự trở thành một không gian văn hóa, một điểm đến thú vị.

 

Trong hai ngày 10-11/9, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương đến làm việc với một số đơn vị tại TP.HCM để khảo sát thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW và Thông báo số 19-TB/TW của Ban Bí thư về Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản. Sáng 11/9, Đoàn công tác đến thăm và làm việc với Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, Đường sách TP.HCM.

 

 

 Vào một buổi sáng giữa tuần nhưng không khí Đường sách Nguyễn Văn Bình tương đối nhộn nhịp với nhiều hoạt động diễn ra trên lòng đường, bên cạnh các gian hàng vận hành kinh doanh của các đơn vị xuất bản, phát hành. Trong ảnh, đoàn công tác đang tham quan triểm lãm Nghệ thuật đóng sách do hai đơn vị Quán sách Mùa thu và Con mèo nhỏ phối hợp thực hiện cùng Ban Quản lý Đường sách.

 

 

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng đoàn Phan Xuân Thủy nhận định Đường sách TP.HCM không chỉ là không gian trưng bày, kinh doanh sách, mà thực sự đã trở thành một không gian văn hóa, một điểm đến thú vị của thành phố.

 

 

 Giám đốc Công ty TNHH Đường Sách TP.HCM Lê Hoàng cho biết thành công của Đường sách TP.HCM là nhờ được ban lãnh đạo thành phố tạo điều kiện chính sách, trong đó chủ trương xã hội hóa đóng vai trò quan trọng.

 

 

Chưa đầy 10 năm tuổi nhưng Đường sách đã và đang tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc giao lưu, kết nối nhà xuất bản với độc giả, phát triển văn hóa đọc của người dân thành phố. Điều này đạt được là nhờ sự nỗ lực của các đơn vị có mặt tại Đường sách, cũng như sự đồng hành của các đơn vị văn hóa nghệ thuật, hội đoàn...

  

Trong phiên làm việc với Nhà xuất bản Trẻ và Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, ông Phan Xuân Thủy nhận xét rằng Nhà xuất bản Trẻ với sự năng động, sáng tạo đã thích nghi rất tốt với nền kinh tế thị trường; còn Nhà xuất bản Tổng hợp hoàn thành rất tốt công tác chính trị được giao.

 

 

Theo báo cáo của Phó giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ Nguyễn Thành Nam, Nhà xuất bản tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào bộ máy vận hành, chủ trương tự doanh. Sách liên kết xuất bản chiếm phần rất nhỏ trong số tựa sách phát hành mỗi năm, đến gần đây hầu như không còn.

 

 

Chia sẻ tại buổi làm việc, Phó giám đốc - Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM Trần Đình Ba cho biết đơn vị duy trì nhiều tủ sách nghiên cứu lịch sử, văn hóa có giá trị lâu bền. Nhà xuất bản có nhiều khách hàng lớn là các trường đại học, thư viện trên toàn quốc. Đơn vị kiểm soát chặt chẽ, gia công kỹ lưỡng các tựa sách liên kết phát hành để đảm bảo nội dung, chất lượng.

 

 

Trước chia sẻ của hai đơn vị rằng sách lậu, sách giả vẫn là vấn nạn nhức nhối, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản Tống Văn Thanh nhận định để giải quyết triệt để, cần sự hợp tác của toàn ngành xuất bản, rộng hơn là phối hợp với các bộ, ban ngành khác.

 

 

Phó chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam Đỗ Quang Dũng quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ QR code vào chống sách giả, sách lậu của Nhà xuất bản Trẻ, kỳ vọng đơn vị chia sẻ về phương hướng, cách làm, chi phí... để những đơn vị khác có thể tham khảo áp dụng.

 

 

Phó vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thị Mỹ Linh ghi nhận ý kiến từ các đơn vị, các đại diện của đoàn công tác và cho biết có thể trong thời gian tới sẽ xây dựng các đề xuất, kiến nghị chủ trương, chính sách và đưa ra các chỉ thị, cập nhật trong luật để bảo vệ, hỗ trợ các đơn vị xuất bản.

 

Nguồn: znews.vn